Diễn biến trước trận đánh Trận_Phì_Thủy

Quân Tần nam tiến

Phù Kiên không nghe theo lời trăn trối của Vương Mãnh, quyết ý nam tiến. Năm 378, ông sai con trai là Phù Phi đánh Tương Dương, Vi Chung đánh Ngụy Hưng[6], Bành Siêu đánh Bành Thành, Câu Nan, Mao Thịnh, Thiệu Bảo đánh Hoài Âm và Vu Thai. Hai phía đông tây của Tấn đều nguy cấp.

Chiến sự Tương Dương rất ác liệt, suốt từ tháng 3 năm 378 đến tháng 2 âm lịch năm 379. Quân Tần có 10 vạn người công phá 10 tháng không hạ nổi. Tướng Tấn là Chu Tự quyết giữ thành không hàng. Mẹ Tự là Hàn thị đích thân động viên dân trong thành góp sức sửa đắp thành để cố thủ. Đến tận tháng 2 năm 379, Chu Tự bị Lý Bá Hộ làm nội phản, mở thành cho quân Tần vào. Chu Tự bị bắt. Thứ sử Kinh châu của Tấn là Hoàn Xung dời đồn Giang Lăng bờ bắc về Thượng Minh bờ nam, vì sợ thế quân Tần nên không dám phát binh cứu Tương Dương.

Phù Kiên ghét bầy tôi phản chủ, nên giết Bá Hộ mà trọng dụng Chu Tự, phong làm thượng thư Độ chi[7].

Tháng 4 năm đó, Ngụy Hưng của Tấn cũng thất thủ, tướng Tấn là Cát Ấp cũng tuyệt thực mà chết.

Phản ứng của Đông Tấn

Triều đình nhà Tấn họp bàn cử người mang quân ra chống giữ. Mọi người tranh luận mãi, cuối cùng Tạ An tiến cử cháu là Tạ Huyền. Trung thư lang Hi Siêu vốn bất hòa với Tạ Huyền nhưng khi nghe Tạ An tiến cử Tạ Huyền lại tỏ ra rất mừng rỡ, khen ngợi Tạ An.

Tấn Hiếu Vũ đế bèn phong Tạ Huyền làm Kiến Vũ tướng quân, thứ sử Duyện châu, lo việc quân sự Quảng Lăng, Tương Giang, Lâm Giang, trấn thủ Giang Lăng[8]. Tạ Huyền nhận lệnh xong bèn chiêu mộ binh sĩ, tổ chức thành "quân Bắc phủ" vì khi đó quân Tấn đang rất thiếu lực lượng chiến đấu.

Nghe tin Tương Dương nguy cấp, Tạ Huyền mang quân đi cứu viện, nhưng chưa đến nơi thì Tương Dương đã mất.

Bành Siêu dẫn 7 vạn quân đi công phá Bành Thành[9]. Tạ Huyền nghe tin lại mang 1 vạn quân đi cứu ứng. Trên đường đi, một mặt ông sai tướng Điền Hoành đến Bành Thành, báo cho quân trong thành biết viện binh sắp đến cứu để yên tâm giữ thành, mặt khác ông chia quân đi cướp quân trang của Bành Siêu ở Thành Lưu[10]. Phù Kiên lo lắng bèn ra lệnh cho Bành Siêu về lo bảo vệ quân nhu. Các tướng Tấn trong Bành Thành là Đái Độn và Đái Lộc hợp binh phá vỡ vòng vây ra ngoài.

Năm 379, Bành Siêu và Câu Nan lại mang quân đánh Đông Tấn, lần lượt chiếm Vu Thai[11] và Hoài Âm[12]. Quân Tấn thua trận, tướng Mao Tảo tử trận còn Mao An bỏ chạy. Quân Tần tập trung 3 vạn quân đánh Tam A[13]. Tạ Huyền xuất phát từ Giang Lăng đi cứu, đánh nhau với quân Tần ở Bạch Mã Đường[14], đánh lui quân Tần, chém tướng Đô Nhan. Tam A được giải vây.

Năm 380, em Phù Kiên là Phù Lạc cậy công đánh được nước Đại nên làm phản. Phù Kiên mang quân nhanh chóng dẹp tan, giết chết Lạc.

Vòng vây với Đông Tấn tuy tạm thời được mở khi vua Tần rút đại quân về bắc nhưng quân Tấn vẫn không lấy lại được Bành Thành.

Phù Kiên cất đại quân

Dẹp xong nội loạn, lại tạo được thế bao vây Đông Tấn, Phù Kiên quyết ý cất đại quân đi diệt Đông Tấn, dù nhiều đại thần can ngăn.

Để chuẩn bị chiến tranh, ông ra lệnh trưng dụng tất cả ngựa công và tư, các châu quận cứ 10 người thì 1 người phải tòng quân. Ngay cả các con em nhà quyền quý dưới 20 tuổi cũng bị động viên, gọi là quân Vũ Lâm lang. Ông huy động trên 90 vạn quân, gồm 60 vạn bộ binh, 27 vạn kị binh, 3 vạn quân Vũ Lâm lang, đủ các sắc tộc Hán và Hồ, dùng nhiều tướng người Ngũ Hồ đi nam tiến. Đại quân có hơn 1 vạn thuyền chở lương.

Tháng 8 năm 383, Phù Kiên dẫn quân xuống phía nam. Cả đoàn quân Tiền Tần hùng mạnh hành quân kéo dài hàng ngàn dặm.

Liên quan